
Trong 8 tháng
đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản nước ta ước đạt tổng giá trị
4,2 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn, xuất khẩu thủy sản đang giảm sút rõ rệt ở những thị trường
lớn. Cụ thể như: Ở thị trường Hoa Kỳ giảm hơn 29%, thị trường Nhật Bản
giảm 12%, thị trường Hàn Quốc giảm 5%... Dự kiến, năm 2015 xuất khẩu
thủy sản sẽ không đạt mục tiêu đề ra.
Lý giải về sự
sụt giảm trên, các chuyên gia cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách
quan như: giá đồng nội tệ của các nước sụt giảm làm giảm giá trị sản
phẩm, chính sách hạn chế nhập khẩu đẩy mạnh xuất khẩu của các nước…
thìxuất khẩu thủy sản nước ta có biểu hiện “hụt hơi” trước sự cạnh tranh
gay gắt của các nhà xuất khẩu khác như: Thái Lan, Ấn Độ.
Theo ông Trần
Tấn Tâm, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, mặc dù đứng trong
top đầu về xuất khẩu tôm (đứng thứ 3 thế giới) nhưng tôm Việt Nam không
thể dẫn dắt thị trường bởi phải đang cạnh tranh với các đối thủ khác về
giá như: Ấn Độ, Thái Lan… Nhưng bất ổn ở chỗ Việt Nam lại phải nhập con
giống từ 2 đối thủ cạnh tranh này. Do phải phụ thuộc con giống nên chất
lượng ban đầu rất khó kiểm soát. Không riêng gì con giống, việc chậm
xây dựng mô hình chuỗi nuôi trồng, chế biến cũng đang là lực cản trong
cạnh tranh của ngành thủy sản nước ta nói chung và mặt hàng tôm nói
riêng.
GS TS Bùi Chí
Bửu, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định, Việt Nam phải thay
đổi mô hình nuôi trồng, giống ngành nông nghiệp mới có thể hy vọng nâng
cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nếu không sẽ bị các đối thủ khác dần
loại khỏi cuộc chơi.
Dự báo trong
những năm tiếp theo, với mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng, sự đào thải
của thị trường sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Ngành thủy sản Việt Nam cần
nhìn lại mình để khắc phục những điểm yếu, nâng cao sức cạnh tranh, giữ
vững vị thế là một trong những nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu trên thế
giới.