Cuối năm 2005, các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký một
hiệp định thương mại tự do (FTA) với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên
Thái Bình Dương, gọi tắt là Hiệp định TPP. Tháng 9.2008, Mỹ tuyên bố
tham gia TPP theo cách cùng các bên đàm phán một hiệp định FTA có nội
dung hoàn toàn mới, nhưng vẫn lấy tên gọi là Hiệp định TPP. Sau đó, Úc,
Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản lần lượt tham gia
vào TPP, đưa tổng số thành viên TPP hiện nay lên thành 12.
Khởi động từ tháng 3.2010, quá trình đàm phán TPP đến nay đã trải qua
19 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. TPP được kỳ vọng là mô hình
mới về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu
tư và nếu có thể sẽ trở thành hạt nhân để hình thành FTA chung cho toàn
khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiệp định TPP sẽ giúp VN tận dụng tốt hơn các cơ hội hợp tác quốc tế,
cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm,
tiếp cận các thị trường rộng lớn gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, thúc đẩy xuất
khẩu, kiềm chế nhập siêu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Quan
trọng hơn, TPP sẽ giúp nền kinh tế VN phân bổ lại nguồn lực theo hướng
hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô
hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế cũng như tăng cường cải cách hành
chính. Tuy nhiên, việc tham gia TPP cũng dẫn đến việc phải đối mặt với
một số thách thức, đặc biệt là tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh
tranh, cùng với các yêu cầu phi thương mại như luật pháp, môi trường,
lao động, công đoàn…
CÁC CƠ HỘI
Các chuyên gia đã thống kê 20 nhóm ngành hàng với 4 mức độ ảnh hưởng
khi VN tham gia TPP. Nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực gồm ôtô, chăn nuôi và
mía đường, trong đó ôtô sẽ là ngành chịu ảnh hưởng ngay lập tức trong
khi chăn nuôi và mía đường sẽ chịu ảnh hưởng trong trung và dài hạn. Các
ngành có mức độ ảnh hưởng là thách thức bao gồm bảo hiểm, ngân hàng,
chứng khoán, phân phối bán lẻ và hàng tiêu dùng. Mức độ ít ảnh hưởng bao
gồm các ngành bất động sản, dược phẩm và dầu khí. Còn mức độ ảnh hưởng
tích cực với 9 ngành hàng bao gồm dệt may, giày dép, gỗ, thủy sản, nông
sản, cảng biển, logistics, công nghiệp phụ trợ và xây dựng. Các ngành
dệt may, giày dép, gỗ, thủy sản, nông sản, có mức độ ảnh hưởng ngay lập
tức với việc giảm thuế suất, còn cảng biển, logistics, công nghiệp phụ
trợ và xây dựng sẽ có ảnh hưởng trung và dài hạn với việc cải thiện
trong giao thương.
Như vậy, xét về trung và dài hạn, logistics thuộc nhóm ngành chịu ảnh
hưởng tích cực. Nói cách khác, VN tham gia TPP là cơ hội lớn cho sự phát
triển của ngành này. Có thể giải thích một cách đơn giản là việc mở cửa
thị trường hàng hóa, tự do hóa lĩnh vực đầu tư, dịch vụ, nâng cao khả
năng xuất khẩu… chính là điều kiện tiền đề cho việc mở rộng nhu cầu vận
chuyển, cung ứng, kho bãi… Những nhu cầu đó tất yếu dẫn đến việc đẩy
mạnh dịch vụ logistics, đầu tư kho bãi tại cảng biển lớn, các địa điểm
thông quan, nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa, hướng các DN tham gia
vào chuỗi cung ứng trong khu vực. Các cơ hội để phát triển ngành
logistics của VN bao gồm việc tiếp cận được thị trường logistics rộng
lớn hơn với những ưu đãi thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch
vụ; phát huy lợi thế địa - chính trị trong phát triển cơ sở hạ tầng
logistics như phát triển cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường
sắt xuyên Á, các trung tâm logistics...
Trong thực tế, những năm qua, trong lúc một số lĩnh vực kinh doanh
trong ngành logistics như vận tải biển hoạt động khá khó khăn, thậm chí
không ít DN lâm vào cảnh thua lỗ nặng, phải thanh lý dần đội tàu, thì
vẫn có những lĩnh vực khác như cảng biển và dịch vụ kho bãi vẫn “sống
khỏe”. Theo ghi nhận của Tạp chí Đầu tư chứng khoán, kết quả của các DN
niêm yết ngành kho vận trong sáu tháng đầu năm nay đều khả quan. Các DN
này đều có lãi: CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển công bố lợi nhuận sau
thuế hợp nhất 549,985 tỷ đồng; CTCP Container VN lãi 112,7 tỷ đồng; CTCP
Cảng Đình Vũ lãi 106,1 tỷ đồng; các công ty khác đều lãi hàng chục tỷ
đồng; duy nhất chỉ có trường hợp CTCP Portserco có lợi nhuận khá khiêm
tốn, với 704 triệu đồng sau thuế.
Triển vọng lợi nhuận của DN cảng biển và dịch vụ kho bãi được dự báo
tích cực trong thời gian tới. Theo phân tích mới đây của Công ty chứng
khoán Bảo Việt, ngành này sẽ được hưởng lợi trong trung và dài hạn, khi
VN gia nhập Hiệp định TPP. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó
khăn, các DN có thể tận dụng ưu thế có sẵn để tiếp cận các cơ hội mở ra.
THÁCH THỨC
Các mặt hạn chế của ngành logistics VN đã được nhắc đến nhiều. Chẳng
hạn, cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics nghèo nàn và thiếu đồng bộ,
dẫn đến chi phí logistics của VN còn cao hơn nhiều so với các nước; DN
logistics quy mô nhỏ, hoạt động manh mún và thiếu tính chuyên nghiệp;
thiếu hụt nguồn nhân lực logistics được đào tạo bài bản và có trình độ
quản lý; môi trường pháp lý còn nhiều bất cập, sự khác biệt về hệ thống
luật pháp, thông quan hàng hóa và các thủ tục hành chính… Tuy vậy, sự
chuẩn bị cho mốc mở cửa thị trường logistics và đối phó với các thách
thức khi VN tham gia TPP hầu như còn thụ động, chậm chạp, rời rạc, tự
phát.
Thách thức lớn nhất mà các DN Logistics VN đang và sẽ đối mặt có thể
là mất thị phần, chịu cảnh là người ngoài cuộc và thua thiệt ngay trên
“sân nhà”. Đa phần các DN dịch vụ logistics là DN nhỏ, năng lực còn
nhiều hạn chế, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất như kho tàng, bến bãi,
công nghệ thông tin, phương tiện vận chuyển…, vẫn chưa thực sự tìm được
nhiều tiếng nói chung với các DN xuất nhập khẩu, trong lúc tính hợp tác
và liên kết với nhau để tạo ra sức cạnh tranh lại còn yếu. Hiện nay, số
DN nội địa chiếm tới 80% tổng số DN logistics ở nước ta nhưng chỉ chiếm
gần 25% thị phần. Trong khi đó, các tập đoàn lớn xuất hiện và hoạt động
ngày càng nhiều như APL Logistics, Maersk Logistics, NYK Logistics,
Schenker, BirKart, BJ, Errmey, Sunil Mezario, Hapag Lloyd, Zim, TWT, Sun
Express... có nguồn tài chính mạnh, dồi dào, nguồn nhân lực chất lượng
cao và chuyên nghiệp, đang chiếm lĩnh 75% thị phần ở VN.
Ai cũng biết là nếu các DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường logistics
của VN thì các DN logistics nội địa chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ
cho một số công đoạn của chuỗi dịch vụ quan trọng này và chủ yếu vẫn là
làm đại lý cho nước ngoài. Hơn nữa, nhiều nhà xuất khẩu của VN gia công
hoặc xuất hàng cho những khách hàng lớn đều đã có những hợp đồng dài
hạn với các công ty logistics toàn cầu. Do đó, kể cả khi cơ hội giao
thương phát triển, nhu cầu dịch vụ logistics tăng lên, các DN VN sẽ gặp
rất nhiều khó khăn nếu không có một chiến lược tổng thể, kế hoạch phát
triển phù hợp.
DN LOGISTICS VN CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?
Các DN logistics VN trước tiên cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp
định TPP, nhận thức được những cơ hội và khó khăn có thể có trong bối
cảnh hoạt động do Hiệp định TPP mang lại. Mặt khác, cần bám sát lộ trình
và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế
hoạch đầu tư, kinh doanh hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của
mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.
Trước khả năng mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên, các DN phải tự vươn lên
và tìm ra giải pháp phát triển phù hợp, chấp nhận luật chơi chung trong
hội nhập. Cần quan tâm liên kết hoạt động, thiết lập các mối quan hệ hợp
tác hợp lý và giữ chữ tín với khách hàng. Đồng thời, tập trung đầu tư
chuyên môn hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao chất
lượng sản phẩm dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh… Bên cạnh đó, các DN
cũng cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân
lực. Ngoài ra, cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài
nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác.