Nếu mọi việc suôn sẻ thì khi nhắc đến thanh long ruột tím hồng LĐ5, mọi người nghĩ ngay đến Bình Thuận. Hay mở rộng phạm vi ra toàn quốc, như Viện trưởng Viện Cây ăn trái miền Nam nhấn mạnh: Việc mua bản quyền trên là sự đánh dấu bước ngoặt cũng như góp phần tạo thương hiệu cây ăn trái Việt Nam trên trường quốc tế.
Song song đó, viện cũng thông báo, sắp tới sẽ cùng với các nhà khoa học Newzealand hợp tác lai tạo giống thanh long ruột vàng. Điều đó có nghĩa, thanh long đang và sẽ có rất nhiều giống, vừa làm phong phú chủng loại trái thanh long, loại trái cây chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu trái cây chung của cả nước, vừa tạo cơ hội cho nông dân nâng thu nhập nhờ bán được giá cao từ những giống mới.
Nhìn qua các tỉnh khác, nhất là ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thấy nhà vườn ở đây ồ ạt trồng thanh long, toàn là các giống thanh long mới của Viện Cây ăn quả miền Nam mà giật mình nghĩ đến chuyện “đi trễ về sớm”. Có khi nào Bình Thuận đang đi trên con đường “đi sớm về trễ” không? Chưa có câu trả lời rõ ràng, bởi phần lớn nhà vườn thanh long Bình Thuận đang thu hoạch thanh long ruột trắng và giá cả cũng không đến nỗi thấp. Vì thế, cảnh báo nguy cơ thị trường tiêu thụ sẽ hẹp lại hoặc khó khăn, (không chỉ Việt Nam trồng mà những nước đang tiêu thụ thanh long Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ… cũng đã trồng với diện tích lớn) chỉ là sự nhắc nhở vào những khi thanh long trong tỉnh đột ngột rớt giá.
Hiện nay, hầu như nhà vườn thanh long đều biết thị trường thanh long những năm tới sẽ không hề dễ dàng, cũng như sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong làm giàu… Đây là điều kiện cần trong làm ăn thời buổi kinh tế thị trường, nhưng nếu chủ động tránh rủi ro bằng cách sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn, tạo sự đa dạng chủng loại để giữ và mở rộng thị trường thì sẽ có thêm điều kiện đủ. Vì thế, chuyện mua bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5, một hình thức đa dạng sản phẩm thanh long của Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu là hướng đi đúng…
Theo tintucnongnghiep.com