Những tháng đầu năm 2015, đã có dấu hiệu suy giảm trong xuất khẩu một số mặt hàng nông thủy sản chủ lực và việc tìm đầu ra bền vững đang là bài toán nan giải của người nông dân cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhiều ngành hàng khó khăn
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông lâm thuỷ sản của cả nước đạt hơn 4,17 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng quan tâm là kim ngạch XK các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh như thủy sản, gạo, cà phê, cao su… đều sụt giảm.
Cụ thể, tổng giá trị XK thủy sản 2 tháng chỉ đạt 907 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của một số nhà quản lý và chuyên gia, giá trị XK thủy sản đầu năm giảm chưa phải là đáng lo và là vấn đề lớn, nhưng những khó khăn mang tính dài hạn, cốt yếu tại các đầu cầu XK lớn đã dự báo cho một năm có nhiều biến đổi bất ngờ và khó lường. Theo đó, các DN XK tôm dự báo năm 2015 XK tôm sang thị trường Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn do thuế chống bán phá giá cao và chịu sự cạnh tranh từ các nguồn cung khác, đặc biệt là nguồn cung từ Indonesia.
Năm nay cũng là một năm khó khăn cho DN XK cá tra khi sản phẩm XK thủy sản chủ lực này đang chịu cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới với các loại cá thịt trắng. Sự tăng sản lượng cá da trơn từ các nước châu Á như Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ khiến Việt Nam mất dần vị thế độc tôn trên thị trường thế giới. Các chính sách bảo hộ thương mại của thị trường Mỹ với thuế suất cao, sự mất giá của đồng euro khiến kim ngạch XK cá tra phi lê vào châu Âu không thể tăng trưởng cao hơn.
Một mặt hàng nông sản XK chủ lực là gạo cũng có sự sụt giảm đáng kể. Khối lượng gạo XK trong 2 tháng đầu năm 2015 ước đạt 526.000 tấn và 243 triệu USD giảm 33,1% về khối lượng và giảm 34% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là mức giảm mạnh nhất trong suốt hơn một năm qua. Theo lãnh đạo một DN XK gạo lớn ở TP.HCM, thị trường XK gạo những tháng đầu năm còn ảm đảm, các hợp đồng XK mới thì manh mún, nhỏ lẻ và đa phần đã ký từ 2014. Mặt khác, trên thực tế, các hợp đồng đã ký năm 2014 cũng không tăng so với cùng kỳ năm cũ nên ít giá trị giao dịch được chuyển sang 2015 như tiền lệ các năm trước. Vị này cho biết Trung Quốc là thị trường NK gạo lớn nhất của Việt Nam. Nếu đầu năm ngoái công ty có 1-2 đơn hàng của đối tác Trung Quốc thì tới nay vẫn chưa ký được hợp đồng nào. Sắp tới, Trung Quốc cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ việc NK theo hình thức qua biên giới và tăng cường NK gạo theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar nên có thể XK gạo 2015 sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính khối lượng XK cao su 2 tháng đầu năm đạt 137.000 tấn, kim ngạch đạt 202 triệu USD, tăng 30,5% về khối lượng nhưng giảm 6,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá cao su XK bình quân chỉ đạt 1.423 USD/tấn, giảm đến 31,27% so với cùng kỳ năm 2014. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), giá XK xuống thấp là do cung đang vượt cầu trên thị trường cao su thế giới. Bên cạnh đó, ngành cao su Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nước khác do cơ cấu chủng loại chưa phù hợp, chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng đều, ổn định, XK thô chiếm tỷ lệ trên 80%. Giá dầu thế giới sụt giảm cũng kích thích tiêu thụ cao su nhân tạo nhiều hơn.
Đối với ngành hàng cà phê, khối lượng XK 2 tháng đầu năm 2015 ước đạt 242.000 tấn và 511 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 16,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết nguyên nhân là do những năm trước, mua bán tiểu ngạch với Trung Quốc khá mạnh, có khi từ 50.000 tấn đến 100.000 tấn/năm. Tuy không lớn, sức mua này làm cho thị trường hoạt động cầm chừng lúc khó khăn. Năm nay, lượng mua bán tiểu ngạch hầu như không đáng kể do Trung Quốc phát triển mạnh cà phê tại tỉnh Vân Nam, cận biên giới Việt Nam. Do sản lượng XK giảm nên giá cà phê trong tháng 2-2015 giảm về mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ đến nay, chỉ đạt 1.869 USD/tấn.
Thiếu bền vững
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến sản lượng XK nông sản của Việt Nam sụt giảm trong thời gian vừa qua là khả năng tiếp thị của các DN Việt Nam còn kém, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao dẫn đến năng lực cạnh tranh của các mặt hàng XK thấp. Phần lớn nông sản của nước ta đều được XK dưới dạng thô hoặc sơ chế, trong khi đó giá thành cao, chất lượng thấp, mẫu mã chưa hấp dẫn… Đây là những thách thức không nhỏ cho nông sản Việt Nam khi tham gia vào một sân chơi lớn nhưng khó tính và có sự cạnh tranh khốc liệt.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, XK nông sản của Việt Nam luôn chênh vênh, lúc trồi lúc sụt, lúc “chết đứng” do nhiều DN của ta chỉ chạy theo cái lợi trước mắt. Ví dụ, gần đây khi Nga mở cho cá tra và nhiều nông thủy sản khác của Việt Nam XK vào Nga, thay vì cùng nhau hợp tác để đẩy mạnh XK thì một số DN Việt Nam XK cá tra đã liên kết với một số DN của Nga độc quyền XK khiến Ủy ban chống độc quyền Liên bang Nga đã có quyết định xử lý vụ vi phạm luật chống độc quyền qua việc cản trở tiếp cận thị trường hàng hóa sản phẩm philê cá tra, ba sa đông lạnh Việt Nam. Với các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của một số ít DN cũng nhiều phen làm “tắc” đường XK nông sản Việt Nam.
Ông Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để XK nông sản thành công, trước hết DN cần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của nông sản. Bởi hiện nay, vai trò của các DN trong việc cung cấp đầu vào và giải quyết đầu ra chưa tốt, DN thường áp giá với người nông dân cao hơn so với khả năng của họ, hơn nữa chi phí chế biến lại cao, gây thiệt thòi cho người nông dân. Do đó, muốn giải quyết vấn đề XK nông sản thì trước hết vấn đề "thông tin thị trường" phải đặt lên hàng đầu. Hiện nay không chỉ nông dân mà các DN cũng không nắm được đầy đủ các thông tin thị trường, không đầu tư đúng mức để điều tra, nghiên cứu thị trường, mà chỉ chạy theo những đơn hàng mang tính thời vụ...
Theo ông Lưu Bích Hồ, giải pháp để hàng nông thủy sản Việt Nam XK vào được các thị trường khó tính là các DN phải nghiên cứu kỹ thị hiếu, khẩu vị, thói quen tiêu dùng của khách hàng, từ đó mới tổ chức sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường ấy. Một trong những yếu tố quan trọng để quyết định thành công của việc XK nông sản là sự nỗ lực của người nông dân trong việc sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Về phía Nhà nước phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện chủ trương chính sách về tái cơ cấu và công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.