Tuy nhiên việc nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực logistics hiện đang
là thách thức. Rất nhiều chỉ số cho thấy lĩnh vực logistics của VN vẫn
còn yếu kém hơn so với nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, mục tiêu của VN
là cần phải nghiên cứu những phương án cắt giảm chi phí logistics, tính
hiệu quả trong logistics và vận tải đang ngày càng trở thành động lực
quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của VN. Do vậy, các ưu tiên
cải cách trong logistics luôn là những nhiệm vụ cấp thiết của VN.
ƯU TIÊN CẢI CÁCH HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÀ HẬU CẦN
Các cửa ngõ quốc tế quan trọng và các hành lang tích hợp với cách
tiếp cận đa phương thức cần được ưu tiên. Vấn đề này phải được xác định
là mục tiêu rõ ràng để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại và sự
phát triển cho ngành logistics. Cụ thể là xây dựng các dự án cơ sở hạ
tầng GTVT đa mô hình, sử dụng phương pháp tiếp cận hành lang tích hợp.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, hiện tại, việc lập kế hoạch cơ sở hạ
tầng GTVT VN đang cho thấy phương pháp tiếp cận đơn mô hình, trong đó
với các ban ngành khác nhau như cảng, đường thủy nội địa, đường cao tốc,
đường sắt, hàng không. Sự hạn chế trong tương tác giữa các ban ngành
với chính quyền các tỉnh đã dẫn tới sự không nhất quán và đứt quãng
trong việc lập kế hoạch và không đúng thời hạn, nên đã khiến cho các dự
án cơ sở hạ tầng được thực hiện từng phần, chứ không trên cơ sở phối hợp
đa mô hình.
Thời gian hoàn thành các dự án đường cao tốc cần thiết để hỗ trợ cho
phát triển cầu cảng thường xuyên bị chậm trễ, đó là yếu tố chính dẫn
đến tình trạng tắc nghẽn đường lưu thông hàng hóa từ cảng. Các đường
giao thông kết nối giữa đường cao tốc và cảng biển và các cảng container
nội địa (ICD) không đủ đáp ứng nhu cầu và là nguyên nhân chính gây nên
tình trạng tắc nghẽn. Rõ ràng việc vận tải đơn thức là lợi bất cập hại,
không kết hợp đồng bộ giữa các phương thức vận tải đã làm tăng giá thành
sản xuất và giá hàng hóa XNK, qua đó làm giảm năng lực cạnh tranh của
thương mại VN.
Vì vậy, VN cần phải ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các
hạng mục công trình kết cấu hạ tầng, theo đó sẽ huy động mọi nguồn vốn
để đầu tư, xây dựng và nhanh chóng hoàn thành và đưa vào sử dụng các
hạng mục công trình tập kết hàng hóa. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác
bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông để kết nối giữa các phương thức vận
tải và các công trình tập kết hàng hóa lớn tại các đầu mối vận tải lớn.
Đồng thời nghiên cứu phương án thành lập trung tâm điều phối kết nối các
phương thức vận tải để đảm bảo tính thống nhất, liên thông, thuận tiện
và hiệu quả cho vận tải đa phương thức. VN cần áp dụng phương thức tiếp
cận đa ngành, đa mô hình và toàn diện trong quá trình lập quy hoạch và
thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng vận tải hàng hóa.
Vấn đề khuôn khổ pháp lý vững chắc và khả thi về quan hệ hợp tác
công tư (PPP), đó là các hình thức tổ chức đối thoại công - tư cũng có ý
nghĩa quan trọng, và yếu tố thành công là duy trì sự tham gia của các
thành viên từ cả khu vực công và tư.
Đặc biệt là cần xây dựng ngành vận tải đường bộ chuyên nghiệp. Thị
trường vận tải đường bộ VN đang bị chia nhỏ và cạnh tranh chủ yếu dựa
trên mức giá thấp hơn là chất lượng dịch vụ. Tai nạn giao thông, tắc
đường, hư hỏng lòng đường, và ô nhiễm không khí,… là các thách thức mà
VN đang gặp phải. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác siết chặt quá
tải của Bộ GTVT góp phần duy trì hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa
một cách lành mạnh và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tải
trọng xe. Các chuyên gia cũng cho rằng, có thể củng cố ngành vận tải
đường bộ bằng cách thúc đẩy tiếp cận tín dụng đối với các hãng vận tải
đường bộ. Hoặc có thể nghiên cứu những phương án khác để giảm tỷ lệ chạy
không tải một chiều về, cải thiện đầu tư liên doanh với các công ty vận
tải đường bộ nước ngoài và phát triển các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải
chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, việc đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị hồ sơ XNK và các
thủ tục hải quan hiện đại, áp dụng đầy đủ phương pháp quản lý rủi ro và
CNTT, triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN đang là những
vấn đề cần phải cải cách cho sự tham gia của Cộng đồng Kinh tế ASEAN
(AEC) vào cuối năm 2015.