
- Theo tiêu chuẩn chung về giới hạn xếp hàng của các hãng tàu biển trên thế giới, trọng lượng hàng hóa của container đều có tổng trọng lượng tối đa là 32,48 tấn đối với container 20 feet hoặc container 40 feet. Vậy để xuất khẩu được hàng hóa, các DN nước ta phải tuân theo tiêu chuẩn nói trên. Và như vậy thì lại vi phạm quy định của Cục Đăng kiểm về tải trọng khi vận chuyển hàng hóa, thưa ông ?
Trước tiên phải khẳng định, Cục Đăng kiểm VN không quy định trọng tải của xe cơ giới tham gia giao thông. Việc hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm ghi trọng tải cho ô tô, sơ mi rơ moóc trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận kiểm định) được căn cứ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, các quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất, gồm:
Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/02/2010 Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hoá trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ và Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT ngày 22/02/2011 của Bộ GTVT.
Thông tư số 56/2012/TT-BGTVT ngày 27/12/2012 của Bộ GTVT Quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2011/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô: Áp dụng đối với ô tô sản xuất, lắp ráp. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11:2011/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc: Áp dụng đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc sản xuất, lắp ráp.
Trọng tải cấp cho xe cơ giới cũng như sơ mi rơ moóc có hai yêu cầu: của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông và của công trình cầu, đường bộ để đảm bảo an toàn, không bị hư hỏng, phá hủy.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT có các quy định nêu trên, Cục Đăng kiểm VN đã hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm ghi giá trị nhỏ trong hai giá trị trên để đảm bảo an toàn cho phương tiện, cầu, đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với tổ hợp đoàn xe gồm ô tô đầu kéo và sơ mi rơ moóc, khi tham gia giao thông phải đảm bảo các yêu cầu sau: Tổng trọng lượng đoàn xe (ô tô đầu kéo và sơ mi rơ moóc) không vượt quá tổng trọng lượng ghi trong các Giấy chứng nhận kiểm định của ô tô đầu kéo và sơ mi rơ moóc để đảm bảo an toàn như đã nêu.
Tổng trọng lượng của sơ mi rơ moóc và hàng hóa không lớn hơn trọng lượng cho phép kéo theo của ô tô đầu kéo; Trọng lượng hàng hóa đặt trên mâm kéo không được vượt quá trọng tải của ô tô đầu kéo (các giá trị này có ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định): Đây là yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn khi vận hành trên đường.
Chúng tôi thấy rằng vấn đề cần quan tâm lưu ý đối với các trường hợp khi vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, chủ hàng và chủ phương tiện cần lựa chọn ô tô đầu kéo và sơ mi rơ moóc có công suất, số trục phù hợp để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
- Thưa ông, các quy định về tải trọng cầu đường bộ hiện nay vẫn còn gắn biển báo tính theo tổng trọng lượng cả xe và hàng tối đa không quá 30 tấn – mà không chú ý đến số lượng trục chuyên chở container, theo như Thông tư 03/2011/TT Bộ GTVT đã quy định. Do vậy, gần như 100% xe tổ hợp đầu kéo chở container đều vi phạm về lỗi quá tải trọng cầu? Quan điểm của Bộ GTVT tải về vấn đề này ?
Việc kiểm soát tải trọng xe qua cầu đường bộ nhằm đảm bảo tuổi thọ công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư và đảm bảo ATGT là hết sức cần thiết. Do vậy, thời gian qua Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và đến nay đã đáp ứng được yêu cầu về quản lý hoạt động vận tải cũng như quản lý khai thác công trình.
Thực tế, ở các nước trên thế giới, cách cắm biển tải trọng cầu cũng rất khác nhau. Ở VN, việc cắm biển tải trọng cầu được phân làm 2 nhóm: Đối với các cầu xây dựng mới theo tải trọng thiết kế tiên tiến H30 - XB80 hoặc HK93 hoặc tương đương, thi công đúng thiết kế, chất lượng tốt, không bị hư hỏng thì không cắm biển hạn chế tải trọng xe khai thác, có nghĩa các phương tiện tham gia giao thông gồm xe thân liền, tổ hợp xe đầu kéo với rơ-mooc hoặc sơmi rơ-mooc, tổ hợp xe thân liền kéo rơ-mooc hoặc sơmi rơ-mooc mà đáp ứng yêu cầu về tải trọng trục xe và tổng trọng lượng xe được quy định tải Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/02/2010 và Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT ngày 22/02/2011 của Bộ GTVT đều được phép lưu hành không kiểm soát khi qua cầu.
Đối với các cầu được thiết kế trên tuyến với cấp tải trọng nhỏ, qua thời gian khai thác lâu dài, đã hư hỏng hoặc xuống cấp (cầu yếu) chưa được sửa chữa tăng cường thì đơn vị quản lý căn cứ vào hồ sơ thiết kế hoặc kết quả kiểm định cầu để xác định tải trọng trục xe và tổng trọng lượng xe được phép lưu hành qua cầu và cắm biển loại xe hạn chế qua cầu và tải trọng trục hạn chế qua cầu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 41:2012/BGTVT của Bộ GTVT.
- Về thiết bị giám sát hành trình (GPS), DN cũng đang gặp nhiều vướng mắc từ Thông tư 08/2011/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các thiết bị giám sát hành trình của ô tô, thưa ông ?
Bộ GTVT đang khẩn trương thực hiện việc bổ sung, cập nhật quy chuẩn các thiết bị giám sát hành trình của ô tô. |
Đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm thiết bị GSHT của trên 50 nhà cung cấp. Việc sản xuất các thiết bị đáp ứng quy định tại QCVN 31:2011/BGTVT được các DN sản xuất, nhập khẩu thực hiện và không gặp vướng mắc gì về mặt công nghệ. Các sản phẩm hầu hết đều có các tính năng mở rộng ngoài yêu cầu tối thiểu tại Quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu quản lý vận tải của chủ DN.
Để phục vụ công tác thanh, kiểm tra phương tiện lắp thiết bị giám sát hành trình khi tham gia giao thông một cách đơn giản, chính xác, theo quy định tại QCVN 31:2011/BGTVT, thiết bị phải có ít nhất 1 cổng COM để kết nối máy in và in ra dữ liệu (cổng COM có thể được kết nối với thiết bị thông qua dây dẫn). Việc quy định có ít nhất 1 cổng COM giao tiếp với ngoại vi (máy in, máy tính,...) cũng là cách để tiết kiệm chi phí sản xuất phần cứng (chuẩn giao tiếp RSS-232 là phổ biến và ứng dụng rộng rãi,dễ sử dụng, thiết bị giám sát hành trình không cần phải tích hợp màn hình, máy in)
Một số thiết bị trên thị trường hiện nay mặc dù có nhiều tính năng được cho là công nghệ cao hoặc hiện đại, ví dụ như: có tích hợp camera, cổng Bluetooth, cổng USB (cổng USB thực tế không phải là công nghệ cao) nhưng các thiết bị đó không đáp ứng yêu cầu quy định tại QCVN 31:2011/BGTVT không phải chỉ là không có cổng COM, mà do một hoặc nhiều nguyên nhân khác như: Không có khả năng lưu trữ dữ liệu hành trình trong 30 ngày; Không lưu trữ được vận tốc tức thời trong hành trình theo từng giây; Không cảnh báo được thời gian lái xe liên tục, tổng thời gian lái xe trong ngày …
Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương thực hiện việc bổ sung, cập nhật quy chuẩn QCVN 31:2011/BGTVT. Tuy nhiên, những thay đổi chủ yếu là tập trung thống nhất quản lý và khẳng rõ hơn một số vấn đề có thể gây hiểu lầm. Những thiết bị hiện đại, có nhiều tính năng vượt trội, độ chính xác cao và đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của quy chuẩn thì vẫn được khuyến khích phát triển để phát huy tác dụng hỗ trợ trong công tác quản lý của nhà nước và DN vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
- Xin cảm ơn ông.