|
Hải
quan Hải Phòng phát triển sáng kiến trên thành đề tại khoa học cấp
Ngành “Ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi thông tin giữa cơ
quan Hải quan và Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển”. Mới đây, Hải quan
Hải Phòng đã bảo vệ thành công đề tài tại Hội đồng nghiệm thu đề tài
khoa học ngành Hải quan, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao.
|
|
Theo Cục Hải
quan Hải Phòng, để thực hiện hiệu quả công tác quản lý giám sát hải quan
đối với hàng hóa XNK tại cảng biển thì sự phối hợp và trao đổi thông
tin giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh kho bãi cảng là vô cùng quan
trọng.
Sự phối hợp
nhịp nhàng giữa hai đơn vị sẽ giúp hoạt động thông quan của DN được
nhanh chóng, thuận lợi, đồng thời làm tăng hiệu suất khai thác, kinh
doanh của DN cảng. Vấn đề đặt ra trong công tác quản lý của mỗi bên là
cơ quan Hải quan cần có thông tin về thời điểm lô hàng hay container ra
vào cảng, số lượng hàng, container tồn trong cảng đối với từng con tàu,
những lô hàng quá hạn làm thủ tục hải quan hay vị trí cụ thể của từng
container… để từ đó đưa ra các quyết định xử lý phù hợp. Trong khi đó DN
cảng cần thông tin về tình trạng cấp phép thông quan đối với từng lô
hàng, từng container để cho hàng ra vào cảng theo đúng quy định của pháp
luật.
Yêu cầu trên
đòi hỏi sự trao đổi thông tin phải được thực hiện thường xuyên, liên
tục, nhưng thực tế việc trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và DN
cảng tại khu vực cảng Hải Phòng trước đây chủ yếu bằng phương pháp thủ
công, qua công văn, chứng từ, tư liệu giấy hoặc qua thư điện tử. Điều
này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như chứng từ giả, số liệu không chính
xác, không kịp thời, mất nhiều thời gian và nhân lực… Những bất cập đó
không chỉ làm giảm hiệu quả quản lý của hai bên mà còn ảnh hưởng đến
công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến
hoạt động XNK và đặc biệt là ảnh hưởng đến thời gian thông quan của DN.
Trong quá trình tìm giải pháp để thực hiện hiệu quả quy định của Luật
Hải quan 2014 về phối hợp giám sát hàng hóa XNK, một giải pháp và cũng
là sáng kiến đang được Hải quan Hải Phòng nghiên cứu, áp dụng là kết nối
hệ thống CNTT để nâng cao hiệu quả trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải
quan và DN kinh doanh cảng.
Tuy nhiên, đây
cũng không phải là bài toán dễ tìm lời giải. Theo phân tích của Cục Hải
quan Hải Phòng, khác với các cụm cảng lớn trong nước và quốc tế như:
Sài Gòn, Vũng Tàu hay Singapore, Hà Lan, Hoa Kỳ… cụm cảng Hải Phòng -
cửa ngõ giao thương lớn nhất khu vực miền Bắc trải dài trên 20 km, phát
triển manh mún, phức tạp với nhiều khu bến cảng chính như: Cảng Vật
Cách; khu cảng chính (hay còn gọi là Bến Hoàng Diệu hay trước gọi là Bến
Sáu kho) trên sông Cấm; khu bến cảng Chùa Vẽ; Tân Cảng Hải Phòng… Ngoài
ra trên địa bàn Hải Phòng còn có hơn 20 bến cảng khác với các chức năng
chuyên dùng như vận tải chất hóa lỏng (xăng, dầu, khí đốt), bến cảng
đóng tàu, bến cho tàu vận tải đường sông nhỏ có trọng tải 1-2 tấn, các
cảng này do nhiều công ty khác nhau quản lý và khai thác.
Sau quá trình
khảo sát thực trạng về hệ thống CNTT của cơ quan Hải quan và các DN, Hải
quan Hải Phòng đã và đang nghiên cứu thực hiện song song 2 giải pháp về
trao đổi thông tin. Thứ nhất là cơ quan Hải quan truy cập trực tiếp vào
hệ thống của DN kinh doanh cảng. Thứ hai là trao đổi thông tin qua chia
sẻ dữ liệu điện tử (có thể thông qua Cơ chế một cửa quốc gia). Được
biết, hiện nay, Hải quan Hải Phòng đã triển khai kết nối hệ thống đối
với tất cả các điểm giám sát Hải quan và DN kinh doanh cảng. Do đặc thù
của mỗi DN có trang bị hệ thống CNTT khác nhau, Cục đã nghiên cứu áp
dụng những giải pháp kết nối phù hợp. Bước đầu, Hải quan Hải Phòng đã
triển khai thành công giải pháp trao đổi thông tin thông qua việc truy
cập trực tiếp hệ thống của DN kinh doanh cảng. Điển hình như từ ngày
1-4-2015 vừa qua, Hải quan Hải Phòng đã áp dụng mô hình trao đổi thông
tin này đối với 13 kho ngoại quan trên địa bàn TP. Hải Phòng (thuộc quản
lý của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV III). Qua đó, cơ
quan Hải quan đã triển khai đường truyền kết nối với các kho ngoại quan,
cài đặt phần mềm quản lý kho ngoại quan, cung cấp tài khoản cho cán bộ
Hải quan truy cập vào hệ thống của DN để theo dõi, quản lý hàng hóa
nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho.
Hải quan Hải
Phòng đánh giá, giải pháp về trao đổi thông tin nêu trên không chỉ góp
phần cụ thể hóa các điểm mới của Luật Hải quan 2014 ở khu vực cảng Hải
Phòng mà còn góp phần quan trọng trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục,
giảm thời gian thông quan hàng hóa.