Bất chấp các diễn biến gần đây, hoạt động thương mại toàn cầu vẫn đang còn rất nhiều triển vọng tăng trưởng.
Theo ước tính của công ty nghiên cứu IHS,
kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tới 44% trong giai đoạn
2015-2020. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sang Bắc Mỹ sẽ tăng 44%, còn
xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu sẽ tăng 43%.
Ông Krispen Atkinson - chuyên gia kinh tế
cấp cao tại IHS Maritime & Trade nhận định rằng: “Trung Quốc đang là
cường quốc khu vực, nhưng khu vực Đông Nam Á cũng đang tăng trưởng rất
mạnh. Xét về lượng hàng hóa được xuất đi thì Đông Nam Á vẫn chưa thể so
với Trung Quốc, nhưng khu vực này đang có những bước nhảy rất lớn".
Trong bối cảnh giá hàng hóa và năng lượng
giảm mạnh hiện nay, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ quan hệ thương mại
với khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là đối với các mặt hàng chế biến như đồ gia
dụng hay thiết bị cơ khí. Ông Jan Randolph - Giám đốc chuyên phân tích
rủi ro tại IHS nhận định: “Việt Nam, Ấn Độ và các nước Nam Á khác đang
được hưởng lợi trong việc nhập khẩu các mặt hàng này".
Ngoài ra, IHS cũng dự báo rằng kim ngạch
thương mại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn 5% mỗi năm trong giai
đoạn 2015-2020. Con số này không thể so sánh được với mức tăng trưởng
hai chữ số trước năm 2008, nhưng vẫn đủ để Trung Quốc giữ vị trí không
thể thay thế trong hệ thống kinh tế toàn cầu.
Thay đổi công nghệ
IHS cũng nhận thấy một xu hướng mới của
giới hàng hải quốc tế là dùng những con tàu lớn hơn để tăng hiệu quả cho
dây chuyền cung ứng. Theo đó 4 liên minh hàng hải lớn nhất đang tăng
cường xu hướng sử dụng tàu container hạng nặng với khả năng chuyên chở
đến 20.000 container loại 20', nhiều hơn 50% so với các loại tàu 13.000
container hiện nay. Điều này sẽ làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển
container bằng đường biển trong thời gian tới và gia tăng các hoạt động
thương mại giữa các khu vực.