Tại VN nói chung và BR-VT nói riêng, đã có các công ty thuộc các tập đoàn logistics toàn cầu thiết lập chi nhánh hoạt động trong hệ thống của mình, ví dụ tập đoàn APL logistics, DHL, TNT, Kuehne + Nagel, UPS supply chain solutions, FedEx supply chain,... Với việc thiết lập chi nhánh này, các công ty
logistics toàn cầu đã kết nối BR-VT với các quốc gia khác trên toàn thế giới, đưa BR-VT thành một điểm trung chuyển trong mạng lưới toàn cầu của hệ thống logistics toàn cầu.

BR-VT là địa phương có lợi thế về cảng biển nước sâu có khả năng kết nối với tuyến hành hải quốc tế. Trong những năm vừa qua, một số cảng biển tại BR-VT đã kết nối trực tiếp các tuyến hành hải đi châu Âu và châu Mỹ, sẽ kéo theo hàng hóa trung chuyển từ các nơi khác về cảng BR-VT để vận chuyển, hành hải tới các trung chuyển hàng hóa cho khu vực cũng như thế giới. Giúp chủ hàng giảm thời gian vận chuyển do không phải trung chuyển qua Singapore, Hồng Kông như trước đây, từ đó giúp hàng hóa của các DN giảm chi phí và tăng
giá trị.
Trong đó, các tuyến giao thông vận tải mà BR-VT đang tập trung đầu tư trước mắt là tuyến đường liên cảng, Quốc lộ 51B, nhánh giao thông kết nối vào cảng (đường 965, tuyến đường Cái Mép - Hội Bài,...) đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Nhờ điều kiện thuận lợi đó, hàng hóa từ các địa phương lân cận trong vùng kinh tế động lực phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận,... cũng như hàng hóa từ các nước tiểu vùng sông Mê Kông, đặc biệt là Campuchia sẽ được hấp dẫn tới các cảng Cái Mép - Thị Vải để trung chuyển quốc tế.
QUY HOẠCH TRUNG TÂM LOGISTICS VỚI CẢNG BIỂN
Có cảng biển thì song song với nó cần phải có các trung tâm, các khu dịch vụ logistics. Một trung tâm phân phối hàng hóa có thể nằm xa cảng nhưng nhất thiết phải nằm gần các đầu mối giao thông khác như đường bộ, đường sắt hoạch đường không. Tuy nhiên, một quy hoạch tối ưu là trung tâm logistics nằm càng gần cảng càng tốt, đồng thời có các đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ kết nối trực tiếp. Vì vậy việc phát triển trung tâm logistics và cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, các quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các vùng và địa phương.
Tại Nhóm cảng biển số 5, các cảng cạn ICD đang tập trung tại khu vực TP.HCM và Biên Hòa, Bình Dương mà chưa phát triển ra các khu vực mới như Cái Mép - Thị Vải (BR-VT), Hiệp Phước (TP.HCM) để có thể kịp thời hỗ trợ cho các cảng đã và sắp đưa vào khai thác, nhằm đảm nhận vai trò là trung tâm tiếp nhận, lưu trữ và phân phối hàng hóa. Trung tâm logistics gắn liền với cảng biển không chỉ hoạt động cho nhu cầu một khu vực hay một quốc gia mà mang tính toàn cầu. Do đó, Trung tâm logistics tại Cái Mép cần định hướng phải là đầu mối của cả khu vực phía Nam và của Tiểu vùng sông Mê Kông.
HỆ THỐNG TRUNG TÂM LOGISTICS CHO BR-VT
Theo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, do điều kiện hạn chế về đất đai nên các trung tâm
logistics tại đây thường nằm riêng lẻ và có diện tích khá nhỏ (khoảng 2-3 ha) và kết cấu nhà kho thông thường được xây dựng kiểu nhiều tầng. Các trung tâm logistics tại châu Âu thường bố trí nhà kho 1 tầng. Cũng do sự khác nhau về hình thái địa lý, khả năng quỹ đất, sự phát triển của các khu vực kinh tế và tập quán kinh doanh nên phương thức vận tải tại các trung tâm logistics của Nhật Bản hầu hết là bằng đường bộ, trong khi các làng vận tải hay các trung tâm logistics tập trung tại châu Âu thường chú trọng bố trí đường sắt kết nối từ trung tâm ra mạng lưới đường sắt quốc gia hoặc liên quốc gia.
Theo các chuyên gia cảng biển, thì về cấu trúc của các nhà kho chứa hàng, tại Trung tâm logistics Cái Mép Hạ nên nghiên cứu bố trí theo hướng nhà kho 1 tầng, tương tự như tại các nước châu Âu nhằm tiết giảm kinh phí đầu tư xây dựng đồng thời tạo sự thuận lợi trong hoạt động khai thác của kho hàng.
Theo Đề án phát triển dịch vụ logistics của BR-VT thì, hiện nay, các khu dịch vụ hậu cần, ICD được dự kiến xây dựng trên địa bàn tỉnh BR-VT sẽ phân phối hàng container Cái Mép. Vị trí khu đất giáp ranh phía sau khu công nghiệp Cái Mép. Cảng đường thủy nội địa: có vị trí đối diện với khu đất ICD Cái Mép qua Rạch Ông. Diện tích khoảng 40ha. Khu dịch vụ đầu mối logistics tại khu vực Sao Mai - Bến Đình: có diện tích khoảng 96ha, là khu dịch vụ hậu cần cho Cảng container Quốc tế Vũng Tàu. Khu dịch vụ logistics cảng Tổng hợp Quốc tế Mỹ Xuân: có diện tích khoảng 91,11ha được quy hoạch là nơi tiếp nhận và phân phối hàng hóa cho cảng Tổng hợp Quốc tế Mỹ Xuân và các cảng lân cận trong khu vực.
Ngoài ra, cũng theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng phía Nam - VN do Đoàn nghiên cứu Jica (Nhật Bản) thực hiện, dự kiến quy hoạch khu dịch vụ hậu cần gần sân bay Long Thành được xây dựng trong tương lai, nhằm kết nối việc vận chuyển hàng hóa từ các khu vực khác đến sân bay và ngược lại. Nếu khu dịch vụ logistics được đầu tư xây dựng tại đây thì việc kết nối với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải cũng khá thuận lợi.
Như vậy, phát triển trung tâm logistics và cảng cạn để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam, đặc biệt đối với hàng hóa được vận chuyển bằng container qua hệ thống cảng biển Nhóm 5 nói chung và cảng biển BR-VT nói riêng là nhu cầu thực tế khách quan. Tuy nhiên, để BR-VT là mắt xích logistics của Vùng kinh tế động lực phía Nam, trước hết cần phải có cơ chế chính sách cho vùng, nhằm có được cơ chế điều hòa phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, để tận dụng lợi thế điều kiện so sánh,... để xây dựng BR-VT trở thành trung tâm cảng biển – logistics của cả nước
(Nguồn: Vietnam Logistics Review)