Qua trao đổi trực tiếp với các DN, chúng tôi nhận thấy các DN đang dần mất niềm tin vào các chủ trương chính sách của Nhà nước từ việc thu phí BTĐB. Thậm chí, họ DN còn xin được giấu tên khi phản ánh những bất cập này, với lý do, sợ cảnh sát truy ra xe của DN và xử phạt...
Xói mòn niềm tin
Chị T, chủ một DN vận tải có quy mô hoạt động rất lớn tại TP HCM tâm sự : Việc thu phí tính trên đầu phương tiện sơmi rờmóoc và xe đầu kéo (kéo sơmi rờmóoc) là điển hình về sự bất hợp lý trong việc thu phí BTĐB. Một việc hiển nhiên như thế các cơ quan quản lý nhà nước không thể không nhìn ra, để quy định này tồn tại ? “Có phải ngân sách nhà nước đang thâm hụt và cơ quan quản lý nhà nước tìm mọi cách tận thu của DN để bù đắp vào sự thiếu hụt hay không ?” - Chủ DN này đặt câu hỏi.
Cùng tâm trạng trên, anh H - Giám đốc Cty TNHH về vận tải ở Bình Dương cho biết: Không riêng những bất cập trong việc thu phí tính trên đầu phương tiện sơmi rờmóoc và xe đầu kéo, mà cả những bất cập trong việc tính phí những phương tiện không hoạt động cũng cần được ngành chức năng nghiên cứu xem xét.
“Từ đầu năm tới nay, hơn năm 50 xe đầu kéo của DN tôi không có hàng hóa vận chuyển phải nằm trong bãi, đến nỗi cỏ đã mọc cao hơn thân xe cả mét… Xe không hoạt động, không có doanh thu, vậy mà hàng tháng Nhà nước vẫn thu phí BTĐB. Không có tiền đóng phí, chúng tôi phải ghi nợ. Bây giờ, khi có đơn đặt hàng, muốn lấy xe ra hoạt động thì chúng tôi phải đóng phí BTĐB còn thiếu nợ. Điều này hết sức vô lý, vì trong Thông tư 197 đã quy định những xe không hoạt động trên 30 ngày thì được miễn giảm phí.
Theo ông H, thủ tục để được miễn giảm như thế nào thì chưa có cơ quan nào hướng dẫn cho DN, nên cơ quan đăng kiểm vẫn thu.
Bộ GTVT có thiện ý cũng chưa thể giải quyết được vấn đề, mà đòi hỏi các Bộ ban ngành khác cũng phải hết sức cầu thị, tháo gỡ khó khăn cho DN. |
“Chúng tôi bất lực nhìn khách hàng bỏ đi và bất lực nhìn khối tài sản của mình bị hao mòn hàng ngày, hàng giờ do phơi nắng phơi mưa. Trong khi đó, hàng tháng chúng tôi còn phải tốn thêm hàng chục triệu đồng cho chi phí lưu bãi… DN chúng tôi có tổng số hơn 100 xe đầu kéo, trong đó gần 50% lượng xe nằm bãi không hoạt động. Mỗi xe đầu kéo, chúng tôi mua gần 70 triệu đồng. Dù không hoạt động, nhưng khấu hao tài sản cũng mất khoảng 10%/năm. Thực sự là DN vận tải đang rất khốn khó. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần nhanh chóng điều chỉnh những bất cập để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho DN” - ông H bức xúc.
Bộ Giao thông Vận tải đã làm hết trách nhiệm ?
Phản hồi về vấn đề trên, TS Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT cho biết : sau khi nhận được những phán ánh của các Hiệp hội, của DN, Bộ GTVT đã kiểm tra rà soát lại và đã nhìn thấy những khó khăn của DN. Chúng tôi đã nhanh chóng làm tất cả những gì thuộc thẩm quyền của mình để tháo gỡ khó khăn cho DN, như kiến nghị Bộ Tài chính thay đổi một số quy định trong Thông tư 197 về việc thu phí BTĐB: nộp phí theo tháng đối với các DN kinh doanh vận tải; chỉnh sửa biểu mức phí đối với xe đầu kéo và sơmi rơmoóc; miễn giảm phí đối với một số đối tượng phương tiện xe đào tạo, sát hạch lái xe; đối với phương tiện dừng hoạt động trên 30 ngày liên tục sẽ không thu phí trong tháng không lưu hành trên đường…
Ông Hùng thẳng thắn thừa nhận, trong thời gian vừa qua, không chỉ Bộ GTVT mà nhiều bộ ban ngành khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chưa quan tâm đến thực tiễn cuộc sống, nên đưa ra những văn bản trái với thực tiễn. Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo chúng tôi là phải thay đổi quan điểm, phải lắng nghe tiếp thu ý kiến từ DN, từ người dân. Và khi đã triển khai nếu có vướng mắc, phải tiếp tục tháo gỡ.
Sự đổi mới trong cách nghĩ cách làm đã và đang được Bộ GTVT triển khai thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị gặp gỡ với các DN tại TP HCM. Đó là cơ sở để các DN vận tải có thể tạo dựng lại niềm tin. Tuy nhiên, văn bản pháp luật được xây dựng và ban hành có liên quan đến nhiều bộ ngành khác nhau. Vì thế bản thân Bộ GTVT có thiện ý cũng chưa thể giải quyết được vấn đề, mà đòi hỏi các bộ ban ngành khác cũng phải hết sức cầu thị, phải lắng nghe DN và có thiện ý nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho DN. Vì quyền lợi của đất nước không thể tách rời quyền lợi của DN và của người dân.
DN đang gặp nhiều khó khăn
Qua gần một năm triển thực hiện Thông tư 197 đã bộc lộ một số bất cập cần bổ sung. Qua tổng hợp ý kiến từ các DN, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. HCM kiến nghị cần sửa đổi bổ sung những vấn đề sau: không thu phí tính trên đầu phương tiện hai thiết bị xe đầu kéo và sơmi rờmóoc mà nên gộp hai thiết bị này thành một phương tiện, vì thực tế hai thiết bị này kết hợp lại mới thành một phương tiện.
Thứ hai đối với những phương tiện không hoạt động trên 30 ngày, theo Thông tư 197 thì không phải đóng phí trong thời gian không hoạt động, nhưng từ khi triển khai tới nay, chỉ có những phương tiện không hoạt động do tai nạn giao thông, có giấy xác nhận của công an giao thông thì mới được miễn đóng phí BTĐB, còn lại những trường hợp không có hàng hóa hoặc phải bảo trì bảo dưỡng thì chưa được miễn đóng phí. Cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này. Mặt khác không nên khống chế chỉ có những xe không hoạt động trên 30 ngày mới được miễn đóng phí BTĐB. Những xe không hoạt động dưới 30 ngày cũng cần phải được xem xét miễn giảm phí.
Thứ 3 là cần linh động hơn về thời gian đóng phí: đề nghị tất cả các DN vận tải đều được lựa chọn thời gian đóng phí BTĐB phù hợp với điều kiện từng DN theo tháng, quý hay năm; không phân biệt DN lớn hay nhỏ.
Riêng các trường hợp hết thời hạn đăng kiểm mà không đi đăng kiểm phải được hiểu là tạm dừng hoạt động mà không phải đóng phí và không phải cần hồ sơ để chứng minh. Vì nguyên tắc xe muốn hoạt động thì phải đăng kiểm, nếu không kiểm định mà lưu hành thì đã bị xử phạt hành chính về lỗi không kiểm định xe và lỗi không nộp phí bảo trì đường bộ, phải bị truy thu và bắt buộc phải đóng phí bảo trì đường bộ theo quy định. Lúc nào chủ phương tiện hoặc DN tiếp tục cho xe hoạt động thì đi đăng kiểm và đóng phí bảo trì đường bộ (trong trường hợp này vì không hoạt động nên không bị truy thu phí bảo trì đường bộ )
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng ban hành Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 197 để các DN đóng góp ý kiến. Thực tế hiện DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động.
Ls Thái Văn Chung
Tổng thư ký Hiệp hội
Giao nhận hàng hóa TP. HCM
Theo dddn.com