4 cơ hội lớn của nông nghiệp Việt Nam khi vào TPP
Đánh giá những
tác động của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) Thứ
trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, với việc Việt Nam gia nhập
TPP bước đầu nhận thấy, TPP vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội,
là đòn bẩy nông nghiệp trong những năm tới.
Phân tích những cơ hội mà TPP mang lại, ông Hà Công Tuấn cho rằng, ngành nông nghiệp sẽ có 4 cơ hội lớn.
Cơ hội lớn thứ
nhất là về thị trường xuất khẩu. Dân số các nưóc tham gia TPP đến thời
điểm này vào khoảng 600 triệu người. Đây là một thị trường tiêu thụ nông
sản lớn, giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc
bấy lâu nay. Hiện tại, Trung Quốc nhập tới 35% tổng sản lượng gạo xuất
khẩu, 48% tổng lượng cao su xuất khẩu và 64% lượng rau quả xuất khẩu của
Việt Nam. Việt Nam cũng nhập khẩu gần 63% sản phẩm vật tư đầu vào cho
nông nghiệp từ Trung Quốc. “Như vậy, việc gia nhập TPP sẽ giúp Việt Nam
điều chỉnh linh hoạt cơ cấu xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp,
mở rộng được nhiều thị trường xuất – nhập khẩu hơn”, Thứ trưởng Hà Công
Tuấn nói.
Cơ hội lớn thứ
hai mà TPP mang lại chính là việc giảm thuế các mặt hàng nông sản. Ngay
sau khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản đã giảm thuế
mạnh, thậm chí sẽ về mức 0% trong một thời gian ngắn nữa. Điều này sẽ
mang lại cơ hội cho một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào các
thị trường Mỹ, Nhật như đồ gỗ, thủy sản.
Cơ hội lớn thứ
3 chính là việc thu hút đầu tư lớn từ các nước vào lĩnh vực nông
nghiệp. Hiện, vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp rất khiêm tốn, chiếm 1,4%
tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Cơ hôi lớn thứ
4 của ngành nông nghiệp Việt Nam khi vào TPP chính là sự thúc đẩy tái
cấu trúc nền nông nghiệp. Sức ép cạnh tranh TPP mang lại sẽ buộc
các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh
đầu tư công nghệ mới, quản lý mới vào nông nghiệp, năng năng suất và
sức cạnh tranh của chính mình.
Tuy vậy, Thứ
trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cũng có không ít
thách thức. “Sản xuất của chúng ta vẫn mang hơi hướng sản xuất hộ cá
thể, nhỏ lẻ. Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng
1,01%, và hầu hết là doanh nghiệp nhỏ. Sản xuất quy mô hộ gia đình, công
nghệ còn kém nên sẽ có mặt hàng rất khó khăn khi mở cửa”, Thứ trưởng
nói.
Những ngành được hưởng lợi và những ngành gặp khó với TPP
Theo báo cáo
của Công ty Cổ phần Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, xét trong
nhóm ngành nông nghiệp, ngành thủy sản sẽ là ngành được hưởng lợi từ
TPP. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi
xuất khẩu vào thị trường Nhật do thuế nhập khẩu sẽ được giảm về 0% so
với mức trung bình là 6.4% đến 7.2%.
Đối với thị
trường Mỹ, TPP sẽ không có nhiều ảnh hưởng vì nếu thuế nhập khẩu bằng
0%, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá rất cao ở
mức 0.97 USD.
Đối với ngành
gỗ, để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp phải đáp ứng được
yêu cầu 55% nội địa, doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên
vật liệu từ nước ngoài. Đáp ứng được yêu cầu này có thể kể đến GDT (sử
dụng hoàn toàn nguồn nguyên liệu trong nước) và TTF (75% nguồn nguyên
liệu đến từ trong nước).
Đối với ngành
mía đường, Công ty Cổ phần Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho
rằng, gia nhập TPP đồng nghĩa Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường.
Ngành mía đường dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao hơn
đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt là sự cạnh
tranh từ Úc với chi phí sản xuất chỉ khoản 20 USD/ 1 tấn trong khi ở
Việt Nam là khoảng 55-60 USD/ 1 tấn.
Ngoài mía
đường, thức ăn chăn nuôi cũng sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ
TPP. Giá thành thức ăn chăn nuôi hiện tại của Việt Nam cao hơn khoảng
10% so với các nước trong khu vực. Áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi
thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn sẽ giảm từ 5% xuống 0%, đặc biệt là cạnh
tranh với các sản phẩm từ Úc và Mỹ do đây là những nước có chi phí sản
xuất thấp, năng suất lớn.
Ngành chăn
nuôi cũng từng được các chuyên gia đánh giá là gia nhập TPP trong tình
cảnh như “ngọn đèn mong manh trước gió” bởi đây là ngành yếu thế nhất
của Việt Nam.
Theo Thứ
trưởng Hà Công Tuấn, Bộ NN&PTNT đã xác định, chăn nuôi sẽ là lĩnh
vực khó khăn nhất. “Nếu sản xuất duy trì như hiện nay với quy mô nhỏ lẻ
và chất lượng sản phẩm khó kiểm soát thì chắc chăn sẽ thua ngay trên sân
nhà”, ông Hà Công Tuấn nhìn nhận.
Bên cạnh đó,
trong số hơn 3.500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp thì số
doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ chiếm tới 65%. Thứ trưởng lo ngại, do quy
mô nhỏ, năng lực tài chính yếu nên sẽ khó khăn trước những đòi hỏi phải
phát triển mạnh, cải cách về công nghệ cũng như đầu tư, vì vậy việc phá
sản là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đồng quan điểm
nhìn nhận những khó khăn của ngành chăn nuôi khi Việt Nam vào TPP, bà
Nguyễn Hồng Lý- Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho hay,
trong thời gian qua, để chuẩn bị những kiến thức cho các doanh nghiệp,
tổ chức và người nông dân khi Việt Nam gia nhập TPP, Hội Nông dân Việt
Nam đã phối hợp với các địa phương tổ chức hội thảo về giải pháp cho
ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng.
Đối với Hội
nông dân các tỉnh, những nơi có chăn nuôi gà cũng đã tổ chức các hội
thảo để cung cấp thông tin TPP là gì, phân tích thực trạng, những khó
khăn vướng mắc của người nông dân, về vốn, kỹ thuật hay đầu ra của sản
phẩm. “Mỗi nơi có những khó khăn riêng, Hội Nông dân Trung ương chỉ đạo
Hội Nông dân các cấp tùy theo tình hình thực tế, cung cầu, bức xúc của
nông dân từng khu vực để có những biện pháp tháo gỡ cho người nông dân”,
bà Lý nói.
Theo Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn)